Trên đời có nhiều kiểu bệnh hoạn. Nhưng trong bài này, tôi ám chỉ những người bị rối loạn nhân cách ái kỷ.
Hành vi của người ái kỷ xoay quanh cảm giác tự tôn quá mức, thiếu đồng cảm, và mong mỏi nhận được sự ngưỡng mộ.
Tại sao tôi lấy nhóm này làm ví dụ?
Vì họ chiếm số lượng đông nhất, nhưng lại ẩn nấp kỹ nhất.
Tại sao ta khó phát hiện ra họ?
Vì người ái kỷ rất khôn khéo.
Mời bạn đọc tham khảo một ví dụ.
Nhân vật chính của câu chuyện kỳ này là Mão, Lan, và Điệp.
Anh Điệp ước mơ trở thành nhạc sĩ nên đăng ký một khóa học sáng tác.
Khi làm bài tập nhóm, bất kỳ ai trái quan điểm đều bị Điệp cho là ngu dốt, là chưa đủ trình thưởng thức nghệ thuật. Giáo viên đánh trượt project thì anh cho rằng xã hội này không coi trọng người tài.
Bất mãn với môi trường sư phạm, anh Điệp mượn rượu giải sầu.
Ở quán bar, anh gặp cô Mão và cô Lan.
Ba người bàn luận về chính trị Tây Ban Nha và nạn đói châu Phi. Hai cô có những quan điểm trái chiều với Điệp.
Cô Mão giải thích tại sao cô tin vào chính phủ đương thời. Cô khẳng định đây là một con đường lý tưởng.
Cô Lan cũng giải thích lý do, nhưng cô kết luận rằng mọi người có những niềm tin khác nhau là chuyện bình thường:
"Tôi không có ý bác bỏ quan điểm của ai cả, nó đúng với tôi thì sai với bạn, mỗi người mỗi kiểu, c’est la vie, cuộc sống mà".
Cả nhóm tranh luận thêm một lúc nữa thì cô Mão kêu mệt và yêu cầu đổi chủ đề.
Họ tiếp tục bàn tán rôm rả, đánh chén tới gần năm giờ sáng.
Hôm sau, Điệp mời Lan đi chơi riêng. Tìm hiểu nhau được một tuần, anh tỏ tình với cô.
Điệp rưng rưng nước mắt: “anh chưa bao giờ có cảm giác này trước đây, em đúng là người bạn tâm giao anh tìm kiếm bấy lâu nay”.
Lan cũng nước mắt rưng rưng: “em thấy mình như đã chờ cả cuộc đời này để được gặp anh”.
Rồi hai người ôm nhau khóc lóc rất thương tâm.
Một ngày nọ, Điệp cãi nhau với bạn cùng lớp. Buồn bực, Điệp giãi bày với Lan.
Lan nói: em thấy bạn anh cũng có lý một phần.
Điệp: em không ở trong hoàn cảnh này nên không hiểu được đâu. Mà thôi, anh cũng không muốn than thêm, stress lắm. Anh chỉ muốn nói chuyện với em cho thư giãn thôi.
Lan: em hiểu rồi, vậy em sẽ lắng nghe nhiều hơn. Nhưng lát nữa em phải chạy bộ, chúng ta có thể nói chuyện lâu hơn vào buổi tối.
Điệp: có một điều anh muốn nói từ lâu lắm rồi. Anh thấy em luôn ưu tiên việc cá nhân hơn mối quan hệ, điều này khiến anh tổn thương.
Lan: nhưng em cũng có cuộc sống của em chứ.
Điệp: anh hiểu, anh có thể thông cảm nếu đó là công việc. Còn chạy bộ là chuyện mình kiểm soát được, em có thể chạy vào hôm khác mà. Không phải mỗi khi em gọi, anh đều bỏ hết mọi thứ để đến bên em hay sao?
Lan: nhưng đó là lựa chọn của anh, em đâu có bắt anh làm thế?
Điệp: không phải kể công gì, nhưng anh thấy mình đang cho đi nhiều hơn, em thì lúc nào cũng đặt bản thân lên trước, như vậy rất ích kỷ, em thấy mình giống trẻ con không? Một mối quan hệ chỉ có thể bền vững khi cả hai bên biết nghĩ cho nhau thôi.
Nắm lấy tay Lan, Điệp thủ thỉ: anh không trách em, anh chỉ muốn tốt cho em thôi. Ngày nào ta biết đặt hạnh phúc của người khác lên trên bản thân mình, ta mới trưởng thành được. Em nhìn xem, ta nên người không phải nhờ sự hy sinh của cha mẹ hay sao?
Lan rưng rưng nước mắt: em hiểu rồi.
Điệp cũng nước mắt rưng rưng: cảm ơn vì đã hiểu cho anh. Ai cũng trách móc và chất vấn, chỉ có em là im lặng lắng nghe. Chỉ có em là khiến anh thấy an toàn và dễ chịu.
Bây giờ, tôi mời độc giả quan sát tương tác giữa Lan và Điệp dưới góc nhìn võ thuật đối kháng.
Đầu tiên, Điệp ra đòn tấn công:
“anh thấy em luôn ưu tiên việc cá nhân hơn, điều này khiến anh tổn thương”.
Quá bất ngờ, Lan phòng vệ theo bản năng:
“nhưng em cũng có cuộc sống của em chứ”.
Điệp đánh vào vị trí khác:
“Không phải mỗi khi em gọi, anh đều bỏ hết mọi thứ để đến bên em hay sao?”
Đòn này không trúng điểm yếu. Lan né được và phản công:
“nhưng đó là lựa chọn của anh, em đâu có bắt anh chạy tới?”
Chiêu này của Lan rất hiểm hóc. Điệp thay đổi chiến lược, chuyển từ cương sang nhu:
“Một mối quan hệ chỉ có thể bền vững khi cả hai bên biết nghĩ cho nhau [...] anh không trách em, anh chỉ muốn tốt cho em thôi”.
Lan bắt đầu suy yếu. Một khoảnh khắc phù hợp để thực hiện liên hoàn cước:
“Ngày nào ta biết đặt hạnh phúc của người khác lên trên bản thân mình, ta mới trưởng thành được”.
“Em nhìn xem, ta nên người không phải nhờ sự hy sinh của cha mẹ hay sao?”
Ăn phải hai chiêu trúng chỗ hiểm, Lan rơi vào trạng thái hoang mang. Cô nghi ngờ năng lực của bản thân và không còn sức tấn công nữa.
Điệp kết thúc trận đấu bằng một đòn chí mạng, nhẹ nhàng nhưng đánh thẳng vào điểm yếu, hạ đo ván đối phương:
“cảm ơn vì đã hiểu cho anh. Ai cũng trách móc và chất vấn, chỉ có em là im lặng lắng nghe. Chỉ có em là …”
Quan sát tương tác trên, chúng ta có thể thấy Điệp không những khơi mào cuộc chiến mà còn giành thắng lợi vẻ vang nhờ áp dụng triết lý “nhu thắng cương, nhược thắng cường”.
Đây chính là sự khôn khéo của người ái kỷ mà tôi muốn nói tới.
Điệp muốn Lan ở nhà an ủi mình, nhưng thay vì nói: “anh đang rất buồn, anh sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu hôm nay có em ở bên, em giúp anh được không?”
Rồi tự chịu trách nhiệm với cảm xúc của mình nếu như Lan từ chối lời đề nghị.
Nhưng thay vào đó, Điệp phớt lờ nhu cầu chạy bộ của Lan và gán cho cô cái mác ích kỷ.
Tiếp đến, anh khiến cô cảm thấy tội lỗi bằng cách kể công.
Sau đó, anh đối xử với cô như một người bệnh: “anh chỉ muốn tốt cho em thôi”.
Cuối cùng, anh xoa dịu bằng cách cho cô cảm giác thế gian này ngoài Lan ra, không ai hiểu Điệp:
“ai cũng trách móc… chỉ có em là…”
Hành vi của Điệp vỗ về lòng tự trọng lung lay của Lan.
Nó gián tiếp cô lập Lan khỏi những hoạt động khác trong cuộc sống.
Thế giới của Lan lúc này chỉ xoay quanh Điệp.
Hay thời nay người ta còn gọi là thao túng tâm lý gì gì đó.
Tuy nhiên, tôi không cho rằng người ái kỷ làm vậy vì mục đích hãm hại ai. Phần lớn họ chỉ đơn giản tin rằng mình đang đứng về phe công lý.
Hệ thần kinh của những người này bị rối loạn, nó tự lừa dối chính nó rằng những hành vi trên là đúng đắn. Bởi vậy, họ làm chủ được kỹ nghệ thao túng tâm lý một cách bản năng.
Người ái kỷ chỉ có thể thay đổi nếu họ có phước phần gặp được một người thầy phù hợp mà thôi. Điều này thì nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta nên tôi sẽ không lạm bàn.
Quay lại trường hợp của Điệp. Anh trao đi mà không cần biết đối phương muốn nhận hay không, rồi kỳ vọng người ta cũng phải hy sinh vì mình.
Điệp muốn họ luôn tin tưởng và khen ngợi anh.
Gặp ai trái quan điểm, Điệp hờn dỗi và trở nên xa cách.
Cho nên, Điệp thấy Lan rất cuốn hút.
Lan có chính kiến nhưng thể hiện nửa vời vì sợ xung đột. Lan sợ bạn bè, người thân, người yêu bỏ rơi mình.
Chỉ cần đánh trúng điểm yếu ấy, Lan sẽ hành động không khác gì một con rối.
Sự dễ kiểm soát này thỏa mãn khao khát được ngưỡng mộ của người ái kỷ.
“chỉ mình em hiểu anh”, “anh chưa bao giờ có trải nghiệm A cho đến khi gặp em”.
Những câu nói ấy ôm ấp, vỗ về lòng tự trọng mong manh của cô.
Nên Lan cũng thấy Điệp quyến rũ vô cùng.
Một bên thì tê liệt khả năng thấu cảm và thích được tâng bốc, một bên thì tự ti và khao khát cảm giác đứng ở vị trí độc tôn.
Lan và Điệp là một cặp đôi hoàn hảo.
Vậy là chúng ta có thể kết luận rằng, những người thu hút tính cách ái kỷ chủ yếu là:
Người cầu toàn
Người không có ranh giới
Người dĩ hòa vi quý
Chỉ cần người ái kỷ nhìn thấy một trong ba đặc điểm trên, họ sẽ tiếp cận bạn.
Xui cho Lan, cô có cả ba. Chúng biến cô thành miếng mồi ngon cho bọn tâm thần.
Ta phải làm sao để không dính vào những người này?
Hãy tưởng tượng người ái kỷ như những con hổ.
Giờ hãy hình dung mối quan hệ thiên địch giữa hổ và hươu.
Hổ sẽ chọn hươu chứ không chọn chó sói hay sư tử để ăn thịt. Vậy nên, cách giải quyết đấy là ta phải trở thành những con không phải mồi của hổ.
Hành vi của cô Mão, bạn cô Lan trong câu chuyện trên, sẽ ngăn chặn người ái kỷ ngay từ đầu, không cho họ cơ hội đến gần ta.
Tuy nhiên, ta cần lưu ý rằng không phải người nào có những dấu hiệu trên cũng bị ái kỷ.
Để biết được ai là kẻ thần kinh, bạn hãy cẩn thận với những lời khen có tính tuyệt đối và luyện tập thể hiện cảm xúc rõ ràng như cô Mão.
Bạn có thể tham khảo cách bày tỏ cảm xúc và ý kiến trái chiều một cách lành mạnh ở đây.
Nếu ta thể hiện quan điểm đối lập một cách đầy thiện chí và cũng cảm nhận được sự cầu hòa từ đối phương, vậy thì chưa chắc họ bị tâm thần đâu.
Người ái kỷ rất dễ bị kích động khi ta thiết lập ranh giới, họ sẽ có phản ứng dữ dội.
Cảm giác khi giải quyết bất đồng chưa bao giờ dễ chịu. Nhưng chỉ khi xung đột xảy ra, những kẻ điên mới lộ nguyên hình.
Tôi mong bạn đọc có thể đặt nỗi sợ xung đột xuống. Càng giấu giếm bản thân vì muốn làm vừa lòng người khác, ta càng thu hút những kẻ bệnh hoạn.
Chỉ có chấp nhận sự khác biệt, dũng cảm mở lòng với đối phương, bước vào giải quyết bất đồng mới đem lại cho ta những mối quan hệ sâu sắc dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Tôi tin rằng sự can đảm này sẽ có ngày cứu ta một mạng.
Nếu độc giả hứng thú với chủ đề này, hãy theo dõi kênh instagram hoặc substack Đồng chí Anh để được cập nhật những nội dung tương tự trong tương lai.