Chạm vào crush một cách hợp pháp
- Đồng chí Anh
- Apr 6
- 9 min read
Updated: 4 days ago

Phòng thì bé, trò thì đông, ông thầy sợ rằng nếu cứ ngã vô tội vạ thì có ngày chúng tôi sẽ đập vỡ sọ nhau.
Ăn cơm tây mãi cũng nhàm nên tôi đổi gió bằng cách đi tập một môn thể thao châu Á. Sau khi thất bại ở nhiều bộ môn thì tôi quyết định tập võ.
Trong lớp có anh chàng nọ đánh mấy bài quyền rất đẹp, nhưng hễ cứ đến động tác nhào lộn là anh đi ra góc lớp, lại còn cười toe toét chứ không lấy gì làm xấu hổ.
Mở miệng thật to để phát âm ký hiệu đầu tiên của bảng chữ cái Latin, ấy là chữ đầu của tên anh. Tôi mã hóa nó thành An cho dễ bàn tán với đám bạn người Việt. Và để tương thích với bối cảnh hơn nữa, tôi còn biếu anh thêm họ Võ mà đọc trại đi là Vũ cho giống phương ngữ quê tôi.
Anh An Vũ trông không giống một chàng trai Tây Ban Nha điển hình. Tóc cắt kiểu đầu đinh và gương mặt thì nhẵn nhụi. Nhưng tôi cũng chưa đoán được gốc gác của anh, chỉ biết anh là người Tây Ban Nha.
Chúng tôi sống ở miền Bắc Tây Ban Nha và người dân nơi đây thì tận dụng mọi cơ hội để phơi nắng, bởi so với miền Nam thì miền Bắc ít nắng hơn hẳn.
Đích đến của họ là một làn da sáng hơn vỏ hành tây một tông, đều màu và bóng bẩy. Họ tin rằng chỉ có những thằng khá khẩm kinh tế mới đủ thời gian và tiền bạc đi tắm nắng thường xuyên, nên họ ngầm hiểu với nhau rằng một làn da như vậy cho thấy thân chủ của nó là một người vừa khỏe khoắn, vừa giàu sang.
Sau khi thỏa mãn với lớp biểu bì thì họ bắt đầu bực bội với đường hô hấp. Người ta đi cuộn cánh mũi cho nó lọt vừa khoảng cách giữa hai mắt. Sống mũi thì phải gọt sao cho nó đi chéo xuống như một sườn đồi đã được loại bỏ những hòn đá lởm chởm, tới đầu mũi thì lại phải hếch lên nhưng ko được hếch quá. Nếu nhìn từ góc trực diện thì chỉ hai phần ba lỗ mũi nên lộ ra thôi, mũi ai không may vượt quá giới hạn đó thì vừa đủ điều kiện làm nhị sư đệ của Tôn Ngộ Không.
Nhưng cái gì lý tưởng quá thì chả mấy ai đạt tới. Tôi mà có cái mũi tiêu chuẩn kia thì tôi sẽ chỉ ngẩn ngơ ngắm mình trong gương từ ngày này qua ngày khác, dăm ba cái bằng đại học có thể đợi được. Đúng là dính tới nhan sắc thì người ta cứ mất hết cả nhân tính đi. Cũng dễ hiểu mà, đấng sáng tạo chỉ chọn ra một số ít chúng sinh để ưu ái về mặt thẩm mỹ thôi.
Kiếp này An Vũ may mắn đầu thai vào phần thiểu số ấy. Da và mũi anh được tạo hóa ban cho tất cả đống phước phần trên.
Tôi mà là không khí thì tôi chỉ muốn chui vào một cái mũi đẹp thôi.
Cái mũi của An Vũ hoàn hảo quá nên bọn oxy thiên vị anh.
Chúng nó kéo nhau vào đấy rồi tự giác lưu thông uyển chuyển cho xứng với một không gian đẹp, thế là gương mặt anh lúc nào cũng hồng hào, tươi tỉnh hơn người. An Vũ trông như một thanh niên được nuôi dưỡng ở một miền quê sạch sẽ đầy nắng, chỉ tạm dừng chân ở đô thị này để hoàn thành sứ mệnh chữa lành gì đó thôi.
Được tự nhiên ưu ái nên anh cũng dễ cười. Không biết là miệng anh rộng nên dễ cười hay anh cười nhiều quá nên miệng rộng ra?
Phương án nào cũng tốt cả vì tôi thấy dễ chịu khi nhìn anh cười, bởi miệng anh có cong lên hay không thì nét hân hoan vẫn hiện rõ trong ánh mắt.
Tôi hơi thất vọng vì chưa thể miêu tả lại chính xác đôi mắt ấy vì cứ khi nào bốn mắt chạm nhau, tôi lại quay đi ngay. Tôi sợ nhìn quá ba giây thì sẽ lạc trong đó mất và chả biết bao giờ mới thoát ra nổi. Quan trọng nhất là sẽ không kịp đỡ nắm đấm của anh ta. Dù không hoàn hảo nhưng tôi vẫn còn yêu mũi của mình lắm.
Khổ nỗi là khi thấy tôi quay đi thì An Vũ cứ nhắc tôi phải nhìn thẳng. Anh cũng sợ tôi bị ăn đấm. Cách nào cũng dở. Tôi chỉ biết cười khổ. Anh cũng cười theo.
Một nụ cười chân thật đến mấy nhưng lại bị đặt trên một bờ môi không được cấu tạo đủ tinh tế thì tôi chẳng thà người ta đừng cười nữa còn hơn. Nhưng An Vũ được tự nhiên yêu ưu ái mà.
Nhìn sắc môi hồng và cấu tượng mềm mại ấy là biết máu anh lưu thông tốt. Một người được nuôi dưỡng bởi hệ tuần hoàn khỏe mạnh, họ sẽ tỏa ra nguồn năng lượng rực rỡ lắm. Rực rỡ đến phi lý. Phi lý đến nỗi tôi khao khát muốn biết người ta trông sẽ ra sao khi đau khổ.
Tôi tưởng tượng ra mắt anh chằng chịt những tia máu hồng và bờ môi anh bặm chặt lại khi dự đám tang tôi. An Vũ sẽ tiến đến quan tài, áp trán lên mặt kính rồi cúi đầu chắp tay chào tôi kiểu đồng môn võ học. Tôi nhẹ nhàng gạt nắp ngồi dậy, ngắm bờ môi ấy thêm vài khắc, tiện thể ghi nhớ đôi mắt mà tôi cứ mãi chưa biết tả thế nào, nói lời từ biệt với cuộc sống viên mãn này một lần nữa rồi mới chết hẳn.
Nhưng tôi nào đã muốn chết ngay, còn nhiều điều tôi cần biết lắm. Như toàn bộ hình xăm trên ngực An Vũ chẳng hạn.
Vì hoàn cảnh xô đẩy nên tôi chỉ nhìn được hai phần ba. Nhưng hình xăm đủ sắc nét để tôi nhận ra ấy là cái đầu đội mũ sắt của một vị tướng hoặc thần Hy Lạp, trông khá giống thần chiến tranh Ares trong mấy bức Tân cổ điển của Pháp.
Mà nói thật, tôi chả quan tâm mình sai hay đúng. Một người với hình xăm tinh xảo làm sao có thể là một kẻ tạm bợ nửa vời? Một chàng trai Tây Ban Nha trẻ tuổi mà lại yêu thích hội họa Tân cổ điển là đủ thấy anh ta đã vững vàng thế nào giữa cái thời kỳ tôn sùng thứ “nghệ thuật” trừu tượng kinh dị xúc phạm con mắt của đất nước này.
Nhưng tất cả chỉ là phỏng đoán của tôi, mong bạn đọc chớ học theo. Hãy quan sát sự thật khách quan nhé. Xây dựng huyễn tưởng về người khác chỉ đem tới những nỗi thất vọng và xót xa thôi. Rất có thể An Vũ bắt gặp chiến thần Ares trên cái poster được dán bừa ở bến xe, sau đó nổi lòng tham rồi về khóc lóc xin bố mẹ tiền đi xăm. Chúng ta không loại trừ khả năng ấy.
Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật và nó chỉ có một: Ares trong tranh rất điển trai nhưng lại được đặt cạnh An Vũ nên trông cũng thường thôi.
Tạo hóa cũng bợm lắm. Không những cho nhan sắc An Vũ thắng cả chiến thần, lại còn cho anh ta cái thứ mà hầu hết mọi thằng đàn ông đều khao khát.
Nếu bạn tìm được một anh chàng với chiều cao trung bình của đàn ông Tây Ban Nha, tức 1m76, hãy ép hắn đứng sát vào tường.
Bạn cộng thêm gần một gang tay tính từ đỉnh đầu hắn, đặt bút chì song song với điểm bắt đầu của ngón giữa, sau đó kéo thẳng một nhát xuống sàn. Thế là kẻ được ra chiều dọc của anh An Vũ: 185 cm.
Đáng lẽ anh phải tập với những người cùng kích cỡ, nhưng có một sự kiện xảy ra khiến thầy giáo ghép tôi tập với anh ta thường xuyên. Khi xung trận thì đôi lúc chúng ta cần nắm chân/tay đối thủ để tự vệ. Vấn đề của bọn đàn ông là chân tay chúng nó cứng ngắc, tôi thì nhăng nhẳng dặt dẹo. Họ chẳng dùng lực mấy nhưng cũng đủ khiến người tôi bầm tím hết cả. Thầy giáo sợ tôi chịu không nổi mà (lại) bỏ học nên ông giới thiệu tôi tập với An Vũ:
“Mày yên tâm, thằng này học lâu rồi nên kiểm soát lực giỏi lắm.”
Lời thầy chí phải. An Vũ đúng là dân lành nghề. Tôi chưa ra đòn anh ta đã biết thừa tôi sắp đánh vào đâu nên anh đỡ mấy cái liên hoàn cước của tôi như bắt những miếng vải bay chậm.
Từ ngày tập với An Vũ, người tôi bớt thâm tím hẳn. Ngày xưa thì như đi tẩm quất còn giờ cứ như đi spa một tuần hai buổi.
Nhưng ông Trời không cho ai tất cả. Đỡ đòn chuyên nghiệp bao nhiêu thì An Vũ lại nhào lộn dở tệ bấy nhiêu.
Khi phải làm những động tác đó, anh sẽ nhắm mắt, mím môi, chun mũi cười tít một cái rồi bẽn lẽn đi ra góc lớp tập riêng với bọn lính mới như tôi. Tôi cũng chả thích lộn mèo đâu nhưng nhìn anh ta cười tôi lại thấy lộn mấy cái cũng khỏe người. Tôi tự an ủi trước khi chúc đầu xuống đất.
Thi thoảng tôi cũng ăn gian, chỉ đứng nhìn chứ không thèm lộn, vì như thế sẽ được quan sát An Vũ ở một góc độ khác. Tôi muốn biết đỉnh đầu anh ta trông như thế nào. Tôi thấy một mái tóc đen được cắt kiểu đầu đinh gọn gàng, những phần chân tóc đậm phân bố đều cho thấy đầu này còn lâu mới hói. Điều này chứng tỏ dự đoán của tôi về hệ tuần hoàn của anh rất chuẩn.
Tôi khoái chí lắm. Mà còn khoái hơn nữa khi biết mình không phải đứa duy nhất vật vã với cái trò lăn mèo lộn khỉ này. Nhìn từ trên xuống trông chúng nó chả khác gì một đám tê tê hậu đậu.
Nhưng tê tê thì cũng không tê liệt như tâm trí tôi khi tập mấy động tác phức tạp với anh ta.
Trong đánh trận có một kỹ thuật như sau: khi đối thủ dùng chân đá bạn từ bên trái, bạn sẽ bước sang phải và dang hai tay ra. Tay trái bạn bắt lấy chân đối phương, tay phải tóm vào vai hắn rồi xô xuống đất, vậy là trận đấu kết thúc. Nhưng vì đất chật người đông nên thi thoảng chúng tôi mới được học ngã. Ông thầy sợ rằng nếu cứ ngã vô tội vạ thì có ngày chúng tôi sẽ giẫm vỡ sọ nhau ra.
Thế là thao tác trên chỉ dừng lại ở nắm chân tóm vai thôi.
Vậy là một chân của tôi sẽ bị ép lên vai đồng chí An Vũ, anh ta sẽ nắm chặt vai tôi, cứ giữ như thế một lúc vì nếu buông ra nhanh quá là tôi rơi xuống đất. Tôi mà rơi thật thì cái viễn cảnh ma chay vừa nãy cũng không còn xa đâu.
Với mỗi một kỹ thuật, chúng tôi phải thực hành đủ hai mươi lần.
Đáng lẽ tôi nên hạnh phúc, nhưng anh ta cao hơn tôi những 25cm, nên tôi chỉ thấy xót xa cho cơ đùi.
Còn đoạn sung sướng nằm ở đây cơ.
Tới lượt tôi nắm chân An Vũ, anh ta sẽ vừa thao tác vừa giải thích cho tôi hiểu về kỹ thuật đó. Khi tôi thực hiện đúng, anh sẽ vươn đầu về phía tôi, trầm giọng xuống, kéo một hơi dài rồi bật ra một từ mà người nói tiếng Tây Ban Nha nào cũng nhẹ nhõm khi nghe được: “eso”.
“eso” trong văn cảnh này mang nghĩa “đúng rồi” hoặc “chính nó”.
Họ nhấn mạnh vào âm tiết “e” rồi kéo thật dài ra đến khi hết hơi mới chạm vào “s”, nên “eso” sẽ được phát âm là “ê ề xồ”, kèm theo một nụ cười thỏa mãn.
Sự ghi nhận của người nói với người nghe lớn bao nhiêu, âm “ê ề” này sẽ được kéo dài bấy nhiêu.
Cái ê ề đó vỗ về trái tim ta. Trái tim đang co bóp liên tục vì căng thẳng bỗng dưng như được một bàn tay dịu dàng nào đó vuốt ve. Cái vuốt ve ấy kéo phần lông mày đang díu lại giãn ra. Tim ta đập chậm lại. Phần máu tụ trên đầu từ từ được phân bố đều khắp cơ thể, khiến những ngón tay phồng rộp vì lạnh của ta dần mềm mại trở lại. Dòng máu ấy sau đó quay trở về tim rồi một lần nữa khiến nó hổn hển, thoi thóp như một con cá vừa bị sóng đánh dạt vào bờ.
Hãy thử đăng ký một lớp học võ rồi cảm mến một ai ở đó xem. Bạn sẽ dễ dàng biết được người mình yêu quý có texture ra sao mà chẳng cần phải lấy cớ đụng chạm, hay nằm trên giường mà tưởng tượng ra.
Nhưng trước tiên, hãy giúp người ta tin tưởng bạn rồi hẵng chạm vào họ bằng tất cả sự trân trọng và lịch thiệp nhé.
Ý là em đọc xong lần 1 rồi đọc lại lần 2 vif em không nhớ rõ từng chi tiết câu chuyện, nhưng nhớ được cảm giác khi đọc, thấy rất tếu táo, hay ho hehe. Từ ngày follow c, e cảm thấy giống như tìm được mentor cuộc sống vậy. Ngày xưa hay xem tarot thì giải quyết được vấn đề lo âu ngắn hạn, từ lucs đọc được những story và bài viết của chị làm em dũng cảm tiếp tục tò mò về thế giới, về cơ thể bên trong và cảm thấy thực sự gắn kết với cuộc sống. Mong chờ chị tiếp tục viết bài thật nhiều ạ.